Nội dung Đào, phở và piano

Đào, phở và piano lấy bối cảnh trận Hà Nội 1946, vào những ngày cuối cùng của trận chiến trước khi quân Việt Minh rút lui lên Việt Bắc. Ngày 16 tháng 2 năm 1947, tại một chiến lũy bên trong khu phố cổ, các dân quân tự vệ phải chống chọi với một cuộc tấn công bằng xe tăng và súng hiện đại bởi lính Pháp. Họ đã đáp trả bằng vũ khí thô sơ như lựu đạn và pháo nổ, tạm thời cầm chân quân địch để những người còn lại triệt thoái. Văn Dân là một dân quân nằm trong số đó. Với lòng nhiệt thành cách mạng, anh không ngần ngại đăng ký đơn làm cảm tử quân cho Việt Minh. Buổi sáng ngày 17 tháng 2 năm 1947, sau khi trận chiến kết thúc, khu phố cổ chỉ còn lại một đống hoang tàn đổ nát. Ông họa sĩ trong đoàn được giao vẽ cờ đỏ sao vàng lên những tấm vải trắng để khâm liệm, làm nghi thức tang lễ cho các chiến sĩ đã nằm xuống tại đây. Trong khi đó, những quân lính đang thu thập thêm vũ khí cho việc chiến đấu. Văn Dân, sau khi bị chê trách vô dụng vì hôm qua đánh hỏng một quả lựu đạn, đã tự ái xin phép ra ngoài thành tìm thêm vũ khí. Anh đi cùng với chú bé đánh giày, một người đồng chí nhỏ tuổi hoạt động cho cách mạng, rồi phân ra làm nhiệm vụ riêng.

Ở phía Văn Dân, trong lúc đang đi tìm đạn dược ngoài thành, anh đã bị phát hiện bởi một toán lính Pháp. Chúng vây lại đuổi theo khiến anh chạy lên dãy mái nhà rồi thụt xuống căn nhà của một cặp vợ chồng bán phở, trong lúc họ đang ráo riết dọn đồ dời đi. Thấy sự có mặt của lính cách mạng, hai người không những không trách móc Dân mà còn muốn nán lại mời anh một bát phở, với điều kiện anh phải đi tìm hành thơm về cho họ. Cùng lúc này, chú bé đánh giày đã lẻn vào khu phố người Pháp và vào nhà của me-xừ Phán, một trí thức tư sản giàu lòng yêu nước. Cậu bé kể lại cho me-xừ Phán tình hình chiến trận ở ngoài khu phố Pháp, khiến Phán vô cùng thất vọng với chính quyền thuộc địa và nuôi ý định trốn lên Việt Bắc cùng với hai cô đào của mình. Sau đó, Văn Dân và cậu bé đã gặp lại nhau; cả hai đến kho vũ khí Việt Minh, thu thập được một quả lựu đạn cùng một cành đào, một rổ hành thơm rồi háo hức trên đường trở về.

Thục Hương – một tiểu thư gốc Hà thành, người yêu của Văn Dân – đã lạc cha mẹ trên đường tản cư rồi trở lại căn nhà bị tàn phá của mình ở trong thành lũy quân Việt Minh. Thục Hương viện cớ muốn lấy lại bộ đàn piano quý giá còn sót lại, nhưng thực chất cô trở về đây là để gặp người mình yêu. Vì lẽ đó, phía quân dân ban đầu đã nghi ngờ cô là gián điệp cài vào. Nhờ vào sự xác nhận của ông họa sĩ và tài y đức của mình, Thục Hương đã được giữ lại phục vụ cho cách mạng. Tuy nhiên, bộ piano giá trị của cô khi đang được kéo xuống phải chịu sự bắn phá bất ngờ của quân Pháp và vỡ tan trên nền đất.

Tối đến, Văn Dân bận đồ âu phục để giả dạng làm người trong khu phố, vào đón me-xừ Phán đi. Trong quá trình di chuyển, xe của Phán phải chịu một cuộc rượt đuổi bởi quân lính Pháp muốn bắt về, nhưng me-xừ Phán đã thành công cắt đuôi bọn họ. Văn Dân sau đó được thả xuống chỗ chiến lũy, anh đi vào và phát hiện ra quân của mình sớm đã lui hết lên Việt Bắc. Tại đây, chỉ còn ông họa sĩ ở lại để nhang khói cho các liệt sĩ còn trong đống đổ nát. Dân thất vọng khi biết mình đã bị bỏ lại, và cũng biết rằng cô người yêu đã không chờ đợi mình. Thục Hương lúc này bất ngờ xuất hiện; vì biết Dân sẽ trở về nên trước thời điểm mọi người đang lên thuyền rời đi, cô nhất quyết bỏ về thành để gặp người mình yêu. Trong niềm hân hoan hạnh phúc, Dân và Hương quyết định cưới nhau. Vị cha xứ trong nhà thờ của khu Pháp đã nhận lời của Thục Hương về làm lễ thành hôn cho hai người, rồi cả hai trải qua đêm tân hôn mặn nồng. Vì không thể trở về nhà thờ, cha xứ quyết định ở lại một đêm với ông họa sĩ, cùng hoàn thành bức tranh cờ đỏ sao vàng trên tường.

Ở phía bên kia, me-xừ Phán cùng hai cô đào đang chạy thục mạng trong rừng để thoát khỏi sự truy bắt của quân Pháp. Một cô đào đã bị bắt lại và bị cưỡng hiếp bởi lính Pháp. Cậu bé đánh giày lúc đó đang ở nhà ông bà bán phở để thưởng thức bát phở bò nóng hổi, nhưng vì một lời trêu đùa của ông bán phở nên cậu bỏ đi không ăn phở nữa. Cậu vào khu phố người Pháp để làm tiếp công việc đánh giày và bị một người Pháp phát hiện ra là Việt Minh. Cậu bé đánh giày bỏ trốn nhưng nhanh chóng bị bắn gục khi chạy lên một triền cỏ trên rừng. Cậu bé, cùng với me-xừ Phán và hai cô đào, sau đó đã thành công chạy thoát lên một chiếc thuyền và dần trôi khỏi Hà Nội lên chiến khu. Ngày 18 tháng 2 năm 1947, khi trời bắt đầu tờ mờ sáng, Văn Dân chuẩn bị tinh thần để lấy bom ba càng phục kích quân địch trận cuối, nhằm thể hiện tinh thần không chịu khuất phục của Việt Minh. Thục Hương muốn thuyết phục anh cùng cô lên quê nhà ở Nam Định nhưng không thành. Xe tăng Pháp khi này đã tràn vào thành và phá hủy những thứ còn sót lại. Cha xứ, ông họa sĩ và ông bán phở bị giết chết trên đường quân đi vào. Văn Dân xông thẳng vào phía địch, lấy bom ba càng định lao tới xe tăng nhưng bị tiếng nổ hất văng ra, làm anh mù tai mắt. Khi đang tìm cây bom, Dân phát hiện bản thân đã bị bao vây và rồi bị xe tăng địch cán chết. Kết thúc phim, Thục Hương, sau khi chứng kiến mọi chuyện xảy ra, đã cầm cây ba càng từ trên toa tàu điện nhảy về phía xe tăng, thành công kích nổ chiếc xe đang tiến vào bên trong thành.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đào, phở và piano https://m.youtube.com/watch?feature=shared&v=qn1t_... https://vtc.vn/ngoai-rap-quoc-gia-co-the-xem-phim-... https://momo.vn/cinema/dao-pho-va-piano-23753 https://thanhnien.vn/dao-pho-va-piano-cau-chuyen-d... https://thanhnien.vn/dao-pho-va-piano-chieu-tai-11... https://nguoihanoi.vn/dao-dien-nsut-phi-tien-son-t... https://dantri.com.vn/van-hoa/dao-pho-va-piano-thu... https://www.vietnamplus.vn/post-910043.vnp https://www.venuscinema.vn/phim/dao-pho-va-piano.h... https://vnexpress.net/phim-truong-tien-ty-tai-hien...